Thời Lương Trần_Văn_Đế

Trần Thiến sinh năm 522, là trưởng tử của Trần Đạo Đàm (陳道譚)- Đông cung trực cáp tướng quân của triều Lương. Khi phản tướng Hầu Cảnh tấn công và bao vây kinh đô Kiến Khang vào năm 548, Trần Đạo Đàm tham gia vào việc phòng thủ kinh đô, chỉ huy nỗ thủ, và bị một mũi tên đi lạc giết chết. Trong tình cảnh nhiễu loạn, để tránh nạn cướp bóc thường diễn ra ở vùng nông thôn, Trần Thiến đã về quận quê nhà của họ Trần- Ngô Hưng (吳興, nay gần tương ứng với Hồ Châu, Chiết Giang). Sau khi thúc phụ Trần Bá Tiên tham gia chiến dịch của Tương Đông vương Tiêu Dịch nhằm chống lại Hầu Cảnh, Hầu Cảnh đã cho bắt giữ cả Trần Thiến và nhi tử của Trần Bá Tiên là Trần Xương và giam cầm họ. Chỉ sau khi quân của Nguyên Đế (dưới sự thống lĩnh của Vương Tăng Biện và Trần Bá Tiên) chiến thắng trước Hầu Cảnh, Trần Thiến và Trần Xương mới được tự do, Trần Thiến gia nhập vào đội quân của thúc phụ. Trần Thiến nhanh chóng thể hiện được bản thân trong các chiến dịch tiễu phỉ, và ông trở thành một trong các tướng lĩnh được Trần Bá Tiên tin cậy.

Năm 554, quân Tây Ngụy công chiếm kinh đô Giang Lăng của Lương Nguyên Đế, sau đó sát hại Lương Nguyên Đế vào khoảng tết năm 555. Tây Ngụy tuyên bố đưa chất tôn của Nguyên Đế là Tiêu Sát lên làm hoàng đế, song Vương Tăng Biện và Trần Bá Tiên đã từ chối công nhận Tiêu Sát là quân chủ. Họ nghênh đón nhi tử duy nhất còn sống của Nguyên Đế là Tiêu Phương Trí đến Kiến Khang, chuẩn bị tuyên bố Tiêu Phương Trí là hoàng đế. Tuy nhiên, do chịu sức ép từ Bắc Tề, Vương Tăng Biện đã chấp thuận đưa Tiêu Uyên Minh lên ngôi vào mùa hè năm 555. Trần Bá Tiên bất mãn trước việc Tiêu Uyên Minh đăng cơ nên vào mùa thu cùng năm, ông ta đã tấn công vào Kiến Khang, giết chết Vương Tăng Biện và phế Tiêu Uyên Minh. Trần Bá Tiên đưa Tiêu Phương Trí lên ngôi, tức Kính Đế.

Trước khi thực hiện hành động chống lại Vương Tăng Biện, Trần Bá Tiên đã tính đến khả năng nữ tế của Vương là Đỗ Kham (杜龕)- Ngô Hưng quận thái thú- sẽ chống lại mình. Do đó, Trần Bá Tiên đã bí mật phái Trần Thiến quay trở về huyện nhà Trường Thành (長城) để chuẩn bị chặn đứng Đỗ Kham nếu ông ta cố gắng đến cứu viện cho Vương Tăng Biện. Đến khi Trần Bá Tiên đạt được thành công một cách quá nhanh chóng, Đỗ Kham cùng với Vi Tái (韋載)- thái thú của Nghĩa Hưng quận (義興, nay gần tương ứng với Vô Tích, Giang Tô), và Vương Tăng Trí (王僧智, huynh đệ của Vương Tăng Biện)- thái thú của Ngô quận (吳郡, nay gần tương ứng với Tô Châu, Giang Tô) đã nổi dậy chống lại Trần Bá Tiên.

Trần Thiến cùng hàng trăm lính trấn thủ tại Trường Thành, và đến khi 5.000 quân của Đỗ Kham tấn công, Trần Thiến vẫn có thể đương đầu, và ngăn không cho quân của Đỗ Kham tấn công Trần Bá Tiên. Trần Bá Tiên đã đến cứu viện, buộc Vi Tái phải đầu hàng, buộc Vương Tăng Trí phải chạy đến chỗ Đỗ Kham, sau đó quay trở về Kiến Khang để đối phó với quân Bắc Tề. Trần Thiến ở lại, cùng đại tướng Chu Văn Dục (周文育) thống soái binh sĩ đối mặt với Đỗ Kham.

Đến mùa xuân năm 556, Trần Thiến đã bí mật thuyết phục bộ tướng Đỗ Thái (杜泰) của Đỗ Kham đầu hàng mình, và sau đó, Đỗ Kham đã bị bắt và bị giết chết. Trần Thiến và Chu Văn Dục sau đó đã có thể giành được Đông Dương châu (東揚州, nay thuộc đông bắc bộ Chiết Giang) từ tay thứ sử Trương Bưu (張彪)- một người trung thành với Vương Tăng Biện. Do Trần Bá Tiên vẫn phải đương đầu với quân Bắc Tề ở Kiến Khang và thiếu nguồn cung ứng lương thực, Trần Thiến đã thu gom gạovịt rồi đưa đến Kiến Khang cung cấp cho quân của thúc phụ.